Bộ máy lãnh đạo đóng vai trò như bộ não trong cơ thể con người, nếu não người là trung tâm của mọi hoạt động xử lý diễn ra bên trong cơ thể người, chịu toàn bộ trách nhiệm trong việc điều khiển hành vi và sự vận động ứng lên mỗi cá thể, thì bộ máy lãnh đạo đóng một vai trò như trung tâm xoay quanh những liên kết quan hệ, đó có thể là những nguyên tắc ứng xử với cấp trên, sự linh hoạt ứng biến với những mối quan hệ đồng cấp hay sự khôn khéo và tận tâm hướng đến những những cấp bậc thấp hơn.
Nắm bắt được tầm quan trọng của vai trò lãnh đạo chiến lược đối với việc vận hành các hình thức kinh doanh trong từng công ty, doanh nghiệp hay cao hơn là các tập đoàn. Tác giả John C. Maxwell đã cho ra đời cuốn sách mang những bài học bổ ích về nghệ thuật lãnh đạo con người mang tên “Nhà lãnh đạo 360 độ”. Không chỉ dừng lại ở việc trả lời cho những câu hỏi về tầm quan trọng của việc lãnh đạo, mà thông qua tác phẩm tác giả như muốn hướng đến người đọc những giá trị và ý nghĩa toàn vẹn nhất trong việc nhìn nhận vai trò trách nhiệm của bản thân trước khi hướng đến các nguyên tắc đối nhân xử thế giữa người với người.
John C. Maxwell ( sinh năm 1947) là một tác giả, diễn giả và mục sư người Mỹ. Với kinh nghiệm nhiều năm trong việc lãnh đạo các nhà thờ ở Indiana, Ohio, California và Florida, đã mang lại cho chính ông lượng kiến thức đồ sộ về khả năng lãnh đạo cũng như là những bài học quý giá về quản trị con người. Bên cạnh đó, ông cũng sỡ hữu cho riêng mình những thành tựu học vấn đáng kể như: Bằng cử nhân tại Đại học Kinh thánh Circleville năm 1969, bằng Thạc sĩ Thần học tại Đại học Azusa Pacific và bằng Tiến sĩ Bộ tại Chủng viện Thần học Fuller. Bắt đầu công việc viết sách từ năm 1979, kể từ đó cho đến nay với việc cho ra đời rất nhiều tác phẩm, chủ yếu tập trung vào chủ đề khả năng lãnh đạo. Trong số đó có nhiều tác phẩm được nằm trong danh sách bán chạy nhất của Thời báo New York.
Trước những cống hiến to lớn của ông thì vào tháng 5 năm 2014, Maxwell được Tạp chí Inc bầu chọn là chuyên gia lãnh đạo và quản lý số 1 trên thế giới. Một tòa nhà tại Đại học Indiana Wesleyan cũng được đặt theo tên của ông và gia đình như một sự tưởng thưởng cho những nổ lực của ông đối với sự nghiệm ươm mầm nên những thế hệ lãnh đạo tài ba và nhiệt huyết.
Chức vị hay chức danh không tạo nên vai trò lãnh đạo
Ngộ nhận lớn nhất ở nhiều người về vai trò lãnh đạo là chức vị hay chức danh sẽ quyết định đến vai trò lãnh đạo. Thực tế không phải vậy. Người đứng đầu hàng ngũ thực hiện công việc lãnh đạo không chỉ dừng lại ở năng lực công việc, ở cái uy được đến từ chức vị hay chức danh. Không phải vì anh là sếp mà mọi người phải tôn trọng anh mà bởi vì được mọi người tôn trọng và tin tưởng nên anh mới có thể trở thành sếp của họ. Tùy vào khả năng lãnh đạo ở từng mỗi người mà vai trò lãnh đạo cũng vì thế mà phân rõ nên thành nhiều cấp bậc. Điển hình là trong tác phẩm “Nhà lãnh đạo 360 độ” tác giả John C. Maxwell đã phân chia thành năm cấp độ lãnh đạo.- Cấp độ thứ nhất: Ở cấp độ này, người đứng ở vai trò lãnh đạo phải thực sự định nghĩa được vai trò lãnh đạo chính là tầm ảnh hưởng. Khi bạn có chức vị, có quyền hạn nhất định đi kèm với chức danh, nhưng nếu bạn chỉ sử chức danh để lãnh đạo mọi người mà không làm gì thêm để tăng tầm ảnh hưởng của mình, thì mọi người đi theo bạn chỉ vì họ phải theo. Nói chính xác hơn họ theo bạn vì họ sợ cái uy của bạn, họ sợ sẽ phật lòng bạn nếu họ có những ý định không tuân theo chỉ thị của bạn. Dần dần theo thời gian chính sự sợ hãi đối với cấp trên khiến họ có thái độ chống chế, thiếu sáng tạo trong công việc dẫn đến năng suất làm việc sẽ không cao.
- Cấp độ thứ hai: Nếu cấp độ lãnh đạo thứ nhất là tạo nên tầm ảnh hưởng từ vai trò lãnh đạo thì sang đến cấp độ thứ hai sự chấp thuận chính là thứ mà bạn phải hướng đến. Ở cấp độ thứ hai bạn bắt đầu lãnh đạo mọi người vượt ra ngoài chức vị mà bạn đang có, bạn cần xây dựng được mối quan hệ với những người mà bạn muốn lãnh đạo, bạn phải học cách đối xử tử tế với họ và tôn trọng họ với tư cách là đồng nghiệp, điều bạn cần làm là phải quan tâm đến họ, chứ không chỉ quan tâm đến công việc mà họ đang làm cho bạn hay cho tổ chức. Bởi vì khi bạn quan tâm đến họ điều đó sẽ dần khiến họ bắt đầu tin tưởng bạn hơn. Kết quả là họ đồng ý để bạn lãnh đạo và bạn khiến họ bắt đầu đi theo bạn vì sau tất cả đó chính là điều họ muốn chứ không phải là do bị bạn ép buộc.
- Cấp độ thứ ba: Đây là cấp độ mà người lãnh đạo phải học cách để định hướng kết quả .Nhờ những thành tựu mà bạn đã đạt được trong công việc, bạn tiến lên cấp độ này trong vai trò lãnh đạo cùng với những người khác. Nếu bạn đóng góp vào thành công của những người mà mình lãnh đạo, họ sẽ ngày càng tin tưởng vào vai trò lãnh đạo của bạn và sẽ đi theo bạn vì những gì bạn đã làm cho tổ chức.
- Câp độ thứ tư: Đây là cấp độ phát triển con người, để đạt đến cấp độ thứ 4 bạn phải tập trung phát triển vào những người dưới quyền của bạn, bạn cần tập trung phát triển những con người mà bạn đã và đang toàn tâm toàn ý lãnh đạo. Hướng dẫn và giúp đỡ họ, phát triển kỹ năng bồi dưỡng năng lực lãnh đạo cho họ. Thực chất việc mà bạn làm là đang tái tạo vai trò lãnh đạo của chính bản thân mình thông qua việc trân trọng và tăng giá trị cho cốt lõi cho họ, ở cấp độ này những người được bạn lãnh đạo sẽ đi theo bạn vì những điều mà bạn làm cho họ.
- Cấp độ thứ 5: Cấp độ vĩ nhân. Tuy nhiên đây là cấp độ mà bạn không phải cứ nỗ lực hết mình là có thể đạt được, bởi vì cấp độ lãnh đạo này vốn dĩ không nằm trong tầm kiểm soát của bạn mà phải do người khác quyết định cho bạn. Để có thể đạt đến cấp độ lãnh đạo này bạn có thể phải cần một quá trình lãnh đạo lâu dài và được mọi người công nhận là đảm nhiệm vai trò lãnh đạo xuất sắc. Sau cùng khi đạt được cấp độ lãnh đạo này bạn đồng thời cũng đã tạo được uy tín cho chính bản thân mình cũng như vai trò mà bạn đang lãnh đạo.
Những nguyên tắc vàng để làm tròn vai trò lãnh đạo
Cuộc sống là tấm gương hai chiều, dù đối với từng sự việc hay hiện tượng nào cũng điều có tồn tại những mặt tích cực và tiêu cực riêng của nó. Tương tự vai trò lãnh đạo cũng vậy, đứng ở vị trí lãnh đạo ngoài lợi ích kinh tế và uy tín của bản thân khi so với những người ở vị trí thấp hơn luôn có sự chênh lệch, thì trách nhiệm và thách thức dành cho những người ở vai trò lãnh đạo là vô cùng lớn. Trèo lên càng cao thì sóng gió gặp phải sẽ càng lớn. Sai lầm gặp phải ở những vai trò lãnh đạo càng cao thì áp lực và rủi ro cho doanh nghiệp mà bạn đang làm việc sẽ càng lớn. Cái giá phải trả cho những sai lầm ấy là rất đắc. Vậy nên khi đứng ở vai trò lãnh đạo chúng ta cần có riêng cho mình những nguyên tắc lãnh đạo cần thiết, qua đó giúp ích cho bản thân chúng ta khi đứng ở vai trò lãnh đạo sẽ có được những cải thiện rõ rệt, vai trò lãnh đạo được củng cố, uy tín lãnh đạo được tăng lên thì công việc mà bạn đang lãnh đạo mọi người cũng sẽ gặt hái được sự thành công và tránh được ít nhiều những rủi ro do thất bại mang đến. Vậy những nguyên tắc được John C. Maxwell nhắc đến trong tác phẩm này là gì?Nguyên tắc thứ nhất: Quản lý cảm xúc
Người lãnh đạo cần phải có khả năng định vị được chính cảm xúc của bản thân, nên biết khi nào cần và khi nào thì không nên thể hiện cảm xúc của bản thân ra bên ngoài. Không thể hiện cảm xúc của bản thân không có nghĩa là che dấu hay kìm nén cảm xúc riêng của mình mà là thể hiện cảm xúc đó theo cách khác tích cực hơn. Trong công việc nên ưu tiên cảm xúc tích cực như khuyến khích hay là góp ý, nhắc nhở trong quá trình quản lý công việc của cấp dưới.Nên đặt cảm xúc của tập thể lên trên cảm xúc của cá nhân, cần hiểu được cảm xúc nào là có lợi cho tập thể chứ không phải là tập trung làm cách nào để bản thân vai trò lãnh đạo của riêng mình được cảm thấy dễ chịu.Nguyên tắc thứ hai: Quản lý thời gian
Thời gian là vàng bạc, thời gian trôi qua là thứ không thể quay lại. Khi đứng ở vai trò lãnh đạo thì việc quản lý thời gian cho các quy trình xử lý công việc là điều vô cùng cần thiết. Nên ưu tiên xử lý những việc có tính chất quan trọng. Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra chúng ta sẽ đạt được hiệu quả ở một công việc nào đó bất kì khi dành riêng cho công việc đó một khối lượng thời gian và tâm trí cần thiết. Tương tự khi chúng ta cố đuổi bắt hai con gà cùng một lúc thì nguy cơ để xổng mất hai con vật là điều không thể tránh khỏi. Nên học cách dành 80% thời gian làm những việc bạn giỏi nhất, 15% thời gian còn lại thì làm những việc mà bạn đang học hỏi. Học cách chọn ra những việc cần thiết với bản thân để ưu tiên làm trước, thực tế đã chỉ ra những người doanh nhân thành đạt thường chọn cho mình việc mà bản thân họ làm giỏi nhất để làm. Nếu như tỉ phú Bill Gates giỏi về việc lập trình và điều hành công nghệ, thì ông chủ của một phương tiện truyền thông xã hội và dịch vụ mạng xã hội nổi tiếng toàn cầu Facebook là Mark Zuckerberg lại là người thích tập trung vào kinh doanh dựa trên mảng công nghệ Internet. Qua thời gian đứng trong hàng ngũ lãnh đạo, người lãnh đạo cần có sự thay đổi từ một con người đa năng sang vị trí của một chuyên gia, nên tập trung vào những việc để phát triển bản thân hơn là cố gắng làm nhiều việc mà chẳng đạt được tính tối ưu ở bất cứ việc nào cả.Nguyên tắc thứ ba: Quản lý năng lượng
Cần phải phải có kể hoạch làm việc mang tính rõ ràng, nên quy định việc nào quan trọng nhất mà làm, thông qua đó cần tập trung nguồn năng lượng để làm một công việc đạt đến sự xuất sắc cần thiết.Nguyên tắc thứ tư: Quản lý suy nghĩ
Trí óc sẽ trả lại chính xác những gì mà bạn đã nhét vào nó. Sự suy nghĩ cần thiết để chứa đầy sự thông tuệ có ích cho những lần bạn cần đến chúng. Nên đưa cơ thể nhiều lần về lại trạng thái tĩnh tâm để có thể chiêm nghiệm những giá trị mà có khi trong những giây phút vội vàng bạn đã lãng quên chúng. Hãy nên nhớ kẻ thù lớn nhất của suy nghĩ sâu sắc là sự bận rộn, rằng đừng phí thời gian một cách vô bổ bởi vì một phút suy nghĩ càng đáng giá hơn một giờ nói chuyện phím.Nguyên tắc thứ năm: Quản lý lời nói
Nếu bạn có điều gì đáng nói hãy trình bày chúng một cách thật súc tích và ngắn gọn, nhưng nếu bạn có những điều mà bạn nghĩ rằng là không nên nói ra thì cách tốt nhất là giữ im lặng. Trong câu chữ biểu đạt cần đòi hỏi sự tinh gọn để dễ nắm bắt ý nghĩa, tránh sự lang mang gây hiểu lầm, nhiều người đứng ở vai trò lãnh đạo bởi vì không có khả năng quản lý những điều mà mình nói ra nên đôi khi dẫn đến sự truyền tải nội dung công việc đến cấp dưới không rõ ràng, dễ ảnh hưởng đến tiến độ công việc hoặc lớn hơn là có thể gây ra những bất hòa không đáng có giữa những mối quan hệ trong môi trường làm việc.Nguyên tắc thứ sáu: Quản lý cuộc sống
Không có bất kì điều gì khiến bạn phải hy sinh hạnh phúc của gia đình bạn để đổi lấy bất cứ sự thành công nào trong con đường sự nghiệp. Gia đình là chỗ dựa về tinh thần để bạn có thêm động lực mà làm việc. Con người ta cần vật chất để mưu cầu những điều tốt đẹp trong cuộc sống nhưng nếu thiếu đi những giá trị về tinh thần con người có khi dễ đánh mất đi bản ngã mà không còn là chính mình được nữa.Đứng trên vai trò lãnh đạo dẫn dắt nhiều người cùng hướng về một kết quả chung. Thành công của người lãnh đạo đối với chính bản thân là định vị được bản thân mình, biết quản lý kết quả công việc và nắm bắt được lượng thời gian cần thiết để thực thi công việc, biết cách tạo động lực hơn là đưa ra nhiều mệnh lệnh bắt buộc, người lãnh đạo thành công khi biết chia sẽ tầm nhìn với những người ở cấp dưới mình, khiến họ có cảm giác như chính bản thân người lãnh đạo muốn làm việc chung với họ, cần học cách chia sẻ trách nhiệm, xây dựng mối quan hệ dự trên sự hợp tác, tương trợ hơn là xem nhau trên danh nghĩa cấp bậc,…
Hiểu rõ vai trò và những gì cần phải làm để hình thành nên những nhà đứng đầu có tài năng lãnh đạo xen lẫn với những giá trị đạo đức, lòng trắc ẩn giữa người với người, tác giả và cũng là nhà diễn giả hàng đầu về nghệ thuật lãnh đạo John C. Maxwell đã tích góp những điều bổ ích nhất về khả năng lãnh đạo trân quý gửi tặng đến chúng ta thông qua cuốn sách “Nhà lãnh đạo 360 độ”. Cuốn sách như một khóa học bổ ích để cho chính bản thân chúng ta phần nào đó có thể khai phá được những khả năng tiềm tàng về tư duy lãnh đạo, hiểu được thế nào là tầm quan trọng của vai trò lãnh đạo? Qua đó, xây dựng vững chắc nền móng kiến thức cũng như ước mơ trở thành những nhà lãnh đạo tài giỏi trong tương lai.