Chắc có lẽ trong số những loài động vật được con người thuần hóa thì loài chó có thể xem là động vật gần gũi nhất với con người, chính từ lòng trung thành cùng với sự sâu sắc bên trong loài động vật đáng yêu này, theo thời gian loài chó đã trở thành một người bạn tốt, trung thành nhất mà con người từng có. Câu chuyện về chú chó Greyfriars Kirkyard (thủ đô Edinburgh, Scotland) đã dành 14 năm để canh gác cho mộ phần của người chủ quá cố, hay huyền thoại về chú chó Hachiko (Nhật Bản) đứng đợi tại sân ga suốt hơn 9 năm trời để chờ người chủ quay trở về, đều là những câu chuyện cảm động và ít nhiều đã lấy đi nước mắt từ người nghe, sau cùng hình ảnh về những chú chó ở trên đã ghi dấu vô cùng sâu đậm trong lòng mỗi con người chúng ta, hiện lên giữa những vô vàn khốc liệt từ cuộc sống như là một biểu tượng về lòng trung thành, thủy chung, sắc son và sự bền bỉ.
Tương tự cũng là câu chuyện về một chú chó nhưng khác với những câu chuyện mà chúng ta đã từng nghe bên trên. Câu chuyện trong “Tiếng gọi nơi hoang dã”- của nhà văn người Mỹ Jack London, kể về một hành trình dài trở về đánh thức bản năng hoang dã của chú chó Buck huyền thoại. Thông qua hành trình ấy bức tranh về thiên nhiên và cuộc sống được hiện lên qua ngòi bút của chính tác giả thật sự sống động, khắc nghiệt nhưng cũng đầy những gam màu sáng tối đan xen, đây quả thật là một tác phẩm sẽ hứa hẹn đem đến những trải nghiệm vô cùng thú vị cho độc giả, không chỉ dừng lại ở một câu chuyện phiêu lưu thông thường mà đằng sau cuộc phiêu lưu ấy nhiều thông điệp sâu sắc từ cuộc sống cũng được chính “cha đẻ” của tác phẩm lồng ghép đầy nghệ thuật thông qua những trang giấy của một cuốn tiểu thuyết từng một thời khiến cho nhiều thế hệ người đọc phải yêu thích và say mê.
Jack London(1876-1916) sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo thành phố San Francisco, bang California. Là kết quả của một cuộc tình ngang trái giữa mẹ ông, bà Flora Wellman (1843-1922) là giáo viên âm nhạc với người cha viết tiểu sử và còn là một nhà chiêm tinh học William Chaney (1821-1903). Cha mẹ của ông li dị ngay từ thời điểm khi ông còn trong bụng mẹ và mẹ ông không lâu sau đó đã đi bước nữa, người cha dượng của ông mang họ Jack vì thế nên ông bắt buộc phải mang họ của cha dượng, và cũng chính vì thế mà từ đó cái tên Jack London được ra đời và được nhiều đọc giả biết đến. Có thể nói từ việc lớn lên trong một gia đình không yên ấm, sống trong một thời đại xã hội nhiều biến động thời hậu nội chiến Mỹ, cùng sự ảnh hưởng sâu đậm từ lý tưởng đấu tranh giai cấp trong xã hội Mỹ lúc bấy giờ, tất cả những điều đó đã hình thành nên một phong cách văn học đầy nội lực trong ông, lướt nhìn qua những tác phẩm của nhà văn Jack London một xã hội Mỹ qua cái nhìn của ông được thể hiện một cách trần trụi, khắc nghiệt đầy rẫy bạo lực và tranh đoạt, ở đó ranh giới giữa sự sống và cái chết trở nên mong manh hơn bao giờ hết, nhưng trên tất cả những tác phẩm của ông vẫn gửi đến những giá trị nhân văn đầy sâu sắc đến với người đọc. Sau những bi kịch cuộc đời không thể vượt qua, ông đã tự tử vào đêm 21 tháng 11 năm 1916 tại nhà riêng khi vừa tròn 40 tuổi.
Năm ông vừa tròn 21 tuổi, khi đang theo học tại trường đại học California Berkeley, ông biết được tin tức từ người cha của mình năm xưa, London liền viết một lá thư gửi cho cha khi này đang sống ở Chicago. Nhưng sau cùng người cha ấy đã lại một lần nữa xát muối vào trong trái tim của ông, khi phủ nhận chuyện mình là cha của Jack London, quá đau đớn và tức giận ông xé tan bức thư của cha và ít tháng sau ông bỏ học, lên đường đi Klondike tham gia vào “cơn sốt tìm vàng” đang làm cả thiên hạ này chao đảo. Chính những biến cố ở tuổi 21 đó của chàng trai trẻ Jack London và với cuộc hành trình đầy những đắng cay và vinh quang ấy đã chấp bút cho sự ra đời của hàng loạt các tác phẩm nổi tiếng được chính tác giả viết thông qua những trải nghiệm khám phá từ chính những vùng đất xa xôi, và trong số đó “ Tiếng gọi nơi hoang dã” có lẽ nhận được nhiều tình cảm từ người đọc nhất và có thể được xem là cuốn tiểu thuyết thành công nhất của nhà văn người Mỹ Jack London.
Cuộc phiêu lưu không dự trước.
“Tiếng gọi nơi hoang dã” kể về Buck - một chú chó cưng của gia đình vị thẩm phán Milơ giàu có từ vùng thung lũng Kanta Clara ngập nắng, bốn năm chung sống cùng gia đình ngài thẩm phán cũng chính là bốn năm Buck được sống trong nhung lụa và sung túc nhất trong cuộc đời nó. Buck tự cho mình là vua, là con vật có khả năng toát ra cái khí chất “vương giả” nhất trong chính trang trại của ngài thẩm phán Mi-lơ. Nhưng thời gian êm đềm và đẹp nhất của cuộc đời Buck chỉ vỏn vẹn từng ấy năm khi khoảnh khắc nó bị chính người phụ vườn cho nhà thẩm phán là Menuơn gô cổ bắt đi về phương Bắc, trong cái đêm chứng kiến sự phản trắc của Menuơn đối với Bấc, dường như chính bản thân nó cũng đã dần cảm giác được một tương lai dữ dội, đầy rẫy sự bạo lực và khắc nghiệt của số phận đang đợi chính bản thân nó trải nghiệm thông qua cuộc phiêu lưu bất đắc dĩ này.
Chi tiết “Buck không hề đọc báo” được chính nhà văn nhắc lại tới tận hai lần trong chương đầu tiên của tác phẩm, như để nói lên sự vô tư với thời cuộc từ một con vật đã quen sống trong nhung lụa và không có chút gì là đề phòng đối với sự lọc lõi của trần đời mà ở đây là con người, cùng với những gợi ý từ chính tác giả thông qua những dòng thơ đầu của trang truyện, người đọc như hiểu ra rằng bi kịch đến là điều không thể tránh khỏi đối với Buck, và để rồi khi nó trực tiếpdấn thân về chốn phương Bắc lạnh giá xa xôi trên chuyến phiêu lưu không dự báo từ trước đó thì bản năng hoang dã tiềm tàng trong chính Buck được trỗi dậy và trở nên mạnh mẽ hơn. Thông qua hành trình đầy gian truân đó của Buck biết đâu mỗi người trong số chúng ta ở đây sẽ được thấy chính bản thân mình trong những khoảnh khắc ngặt nghèo của số phận, qua đó có thêm động lực và dũng khí để vượt qua những thử thách chông gai của cuộc đời.