“LỜI THƠ CHO ĐỜI” – MỘT TẬP THƠ CỦA THỜI ĐẠI ĐƯỢC RA ĐỜI TỪ NỖI LÒNG CỦA MỘT CON NGƯỜI VỚI NHỮNG NỖI NIỀM TRĂN TRỞ RẤT RIÊNG TƯ…
Đã nhiều năm qua cái thời thơ của “mây – gió –
trăng – hoa – tuyết – núi – sông”… ta có dịp bắt gặp trong thơ những hình ảnh
thật đẹp nhưng lại rất chân thật với cuộc đời. Đó chính là hình ảnh về: Tình mẫu
tử, về tình Cha con, về tình anh em, về tình nghĩa vợ chồng, về tình yêu quê
hương đất nước… và trên hết là thơ gắn liền với thời sự - với nhân sinh và đau
đáu về những gì diễn ra trên quê hương, đất nước này. Đã nhiều năm ta muốn đi
tìm một dòng thơ như thế: Một dòng thơ về thời cuộc diễn tả cuộc sống chân thật
của dòng đời cùng những suy tư rất thực tế về nỗi đau và niềm hạnh phúc của con
người… để không chỉ là thơ mà nó thực sự là nỗi trăn trở về thời cuộc – về nỗi
đau – sự hy sinh – và tất cả những gì liên quan đến cuộc sống của chúng ta - Ấy
mới là những vần thơ chân thật! Phải chăng đã đến lúc ta cần tìm đến những vần
thơ ấy: Thời cuộc trong thơ và thơ về thời cuộc!
May mắn cho tôi và có thể cũng là may mắn cho
bạn, bởi vì tôi đã “may mắn” gặp được một dòng thơ như vậy. Không ai khác – đó
chính là dòng thơ Bách Tùng Vũ. Đó là một dòng thơ “rất đời – rất thực – và rất
yêu”.
Thứ nhất, đó là dòng thơ “rất đời” bởi toàn bộ
thơ anh là cuộc đời – là thế thái nhân tình – là chính cuộc đời anh trải qua và
chính kinh nghiệm của anh đã nói với chính mình phải làm thơ như vậy, và con chữ
trong thơ anh hiện lên cuộc đời của anh và cuộc đời của anh hiện lên trong thơ
anh.
Như mở đầu tập thơ anh đã viết:
“Cảm ơn thi
vị cuộc đời
Và ta xin viết
những lời tri ân”
(Trích “Lời Thơ Cho Đời”)
Đó là câu thơ “rất đời” về chính cuộc đời anh
– về lý do tại sao anh làm thơ, về những gì anh muốn để lại cho đời những vần
“rất đời” nói về cuộc đời này!
Hay như câu:
“Thương người
cầu thực xứ xa
Mảnh đời
ghép lại để mà gần nhau”
(Trích “Mưa Sài Gòn”)
Đó là một bài thơ “rất đời” về người Sài Gòn –
về cơn mưa Sài Gòn và những con người “rất đời” đang sống ở trong đó.
Dòng thơ của anh là một dòng thơ “rất đời” bởi
lẽ mỗi người sẽ thấy cuộc đời mình ở trong đó. Tôi tin rằng nếu mỗi người đọc
thơ Bách Tùng Vũ một cách nghiêm túc và suy tư về cuộc đời mình – thì chính bạn
đang ở trong đó – chính cuộc đời của “mỗi người” đang ở trong những vần thơ của
Bách Tùng Vũ. Cái thi vị của anh
chính là ở đó!
Mặc dù thơ anh được xây dựng trên một ý thơ “rất
đời” nhưng sự trăn trở rất đời đó không làm ta “vướng vào cái đời” của bao người
– của bao lớp người – mà trong chính “cái đời” thì ta lại tìm kiếm một ý nghĩa
cao hơn để đến với “cái trời” – cái tâm tư huyền ảo nằm trong cuộc đời ngắn ngủi
này chứa đựng một suy tư về thời cuộc của một điều gì đó rất trường tồn, một ý
niệm rất cao xa, một điều gì đó “rất trời” mà trong mỗi vần thơ anh đọng lại:
“Làm người
phải học chữ Ngay
Để không chết
đứng như cây giữa đồng
Thật là khó
quá phải không?
Làm người
đâu dễ để mong cầu toàn
Cuộc đời
cũng lắm người ngang
Thánh hiền
đâu dễ mà mang dạy đời
Thôi thì sống
tạm ai ơi
Lòng ai sâu
cạn chỉ trời biết thôi!”
(Trích “Làm Người”)
Đó là những dòng thơ về thời cuộc, về “làm người”
trong cuộc đời này – nhưng trong sâu thẳm của những suy tư đó chính là một nỗi
lòng đau đáu về con đường “vạn dặm” phía bên kia cuộc đời của mỗi con người,
còn có lẽ đạo – còn có lẽ của ông Trời… đan xen ở lẽ đời trong những vẫn thơ
tuyệt diệu ở anh.
Thứ hai, đó là dòng thơ “rất thực” bởi vì
trong thơ anh không có “mây – gió – trăng – hoa – tuyết – núi – sông” như những
dòng thơ xưa của những nhà thơ quá khứ. Đó là những vần thơ “nay ở trong thơ
nên có thép”. “Cái thép” trong thơ anh không phải là những vần thơ “kêu gọi –
hay hiệu triệu” nhưng ở một lẽ nào đó, thì những vần thơ này diễn tả “chất thực”
của cuộc đời – đó là những gì mà mỗi chúng ta đang trải qua, là những gì mà mỗi
chúng ta đang đối diện, là những gì “thực tế” mà tất cả chúng ta thấy hàng ngày
– và qua đó thơ anh được mọi người đón nhận là như vậy – Những vần thơ “rất thực”
về chính cuộc đời thực này:
Ví như “cái thực” của “Phận Hàng Rong”:
“Đi ngang
con phố về đêm
Người đời
cám cảnh ướt mềm đôi mi
Người ta
buôn bán cái gì
Mà rong ruổi
mãi chân đi ngoài đường”
(Trích “Phận hàng rong”)
Đó chính là “cái thực” của cuộc đời của những
người buôn gánh bán bưng – cái thực về số kiếp của con người – cái thực về sự vất
vả của mỗi con người trong chính “cái thực” của cuộc đời mà mỗi người chúng ta
đều có thể thấy được trên mỗi con đường mà chúng ta đi …
Và biết bao “cái thực” mà bạn đọc có thể thấy
trong thơ của anh và còn nhiều hơn thế nữa mà tôi có thể viết ra đây. “Lời thơ
cho đời” chính là một tập thơ mà bạn có nhận thấy “cái thực” trong cuộc đời mà Bách Tùng Vũ đã mang đến cho bạn – và ẩn
trong những dòng thơ đó chính là một con người với những trải nghiệm “rất thực”
của mình để có thể viết nên những vần thơ “rất thực” như vậy. Tôi cho rằng đây
là ý nghĩa hết sức cao đẹp mà bạn có thể trân trọng khi đọc những vần thơ của
anh – Một thi sĩ rất thực trong cuộc đời rất thực và diễn tả cuộc đời thực mà
anh đã nghiệm ra như chính bạn nghiệm ra vậy.
Mặc dù thơ anh không phải “trăng – hoa – tuyết
– núi – sông” mà là những vần thơ “rất thực” diễn tả cuộc đời này, nhưng trong
thơ anh lại “rất mơ” – vì phải chăng muôn đời mọi thi sĩ – văn sĩ đều là những
người mơ. Phải chăng có “cái mơ” này mới làm nên một người như Bách Tùng Vũ? Có
cái mơ này mới làm thơ anh đến được với đọc giả rộng rãi như vậy? Có cái mơ này
mới làm xoa dịu những nỗi đau trong cuộc đời thực của mình? Có cái mơ này để
thi sĩ mới có thể làm nên những vần thơ tuyệt diệu đến vậy? Vì nếu ở mãi trong
cái thực của đời người – sẽ chẳng ai có thể làm nên được những vần thơ như anh?
Đó là cái mơ về “Trăng say”:
“Thâu đêm ta
giỗ giấc dài
Chập chờn ta
thấy hình hài… trăng say”’
(Trích “Trăng Say”)
“Trăng
say” ở đây là trăng đang say hay là ta đang say – hay ta đang mơ về một đêm
nào đó ta có thể say để có “uống cạn môi kề môi cho vị tình của mình” – cho cuộc
đời say để quên hết những nỗi đau thực mà ta đang trải qua trong cuộc đời này?
Vì chỉ có chữ tình mới kết nối được thế giới – và kết nối được con tim của
chúng ta lại với nhau?
Đó là cái mơ về “Bác Đã Về Đây” – cái mơ rất tuyệt về một ý nghĩa: “Tại sao một đất
nước Bác muốn xây dựng lại trở nên như thế này? – lại trở nên có giống như ý
Bác hay không?
“Bác đi khắp
một dải sơn hà
Dặn dò theo
chí của Ông Cha
Dựng xây Tổ
quốc cho giàu đẹp
Vững bền mãi
mãi Việt Nam ta!”
(Trích “Bác Đã Về Đây”)
Đó là cái mơ của thi sĩ về thời đại có Bác đẹp
biết bao! Và “cái mơ” đó được thể hiện trong thơ anh với “nỗi nhớ có thật về thời
đại Bác Hồ” – thời đại của sự anh dũng mà cũng có sự hy sinh – nhưng rất hào
hùng!
Và dù thơ anh có nét “rất đời” pha với nét “rất
trời”, và nét “rất thực” pha với “rất mơ”… Nhưng sâu đậm nhất trong thơ Bách
Tùng Vũ đó là nét thơ “rất yêu” pha với nét thơ “rất hận”. Tại sao tôi lại nói
như vậy? Thứ nhất đó có lẽ là sự tài tình của thi sĩ, thứ hai – đó có lẽ là cuộc
đời anh như đang đứng ở ngã ba đường – chứa đựng những suy tư của cả hai cái đối
lập nhau trong chính cuộc đời mình… Và đó có thể như thế mới làm nên được một
thi sĩ được nhiều độc giả ái mộ?
Những vần thơ “rất yêu” của anh hiện lên trong
những bài thơ như “Mẹ” – đó là tình
yêu người mẹ của anh và cũng là tình yêu về mẹ mỗi người khi người con nghĩ về
mẹ của mình:
“Người ta gấm
vóc giàu sang
Mẹ tôi nghèo
khó đủ đàng cực thân
Người ta nhà
ngói nhà tầng
Mẹ tôi đong
gạo nhiều lần đi vay”
(Trích “Mẹ”)
Đó là cái tình “rất yêu” trong thơ anh về Cha:
“Cha ơi! Con
nhớ Cha nhiều
Khóc bao nhiêu
nữa cho chiều thôi rơi”
(Trích “Cha Ơi!”)
Có thể nói trong suốt tập thơ “Lời thơ cho đời” chính là chữ yêu – chữ
tình trong thơ anh được hiện lên rõ nhất. Và đó có thể là cuộc đời của Tác giả
- một cuộc đời “rất yêu” trong chính anh được hiện lên trong thơ anh như vậy!
Đó là cái tình “rất yêu” về “Tình Anh Em”:
“Anh em lòng
chớ cách xa
Đừng chia nắm
đất, đừng ra phiên tòa
(…)
Anh em một
ruột rứt ra
Đừng như nước
lã để cha mẹ buồn!”
Đó là cái tình “rất yêu” trong “Nghĩa vợ tình chồng”:
“Ai ơi dù dở
dù hay
Cố lòng vun
vén đừng thay bóng hình
Chữ duyên chữ
phận chữ tình
Làm nên chồng
vợ xin mình chớ phai!”
(Trích “Nghĩa Vợ Tình Chồng”)
Đó là cái tình “rất yêu” trong “Chị Tôi”:
“Đi xa mới
biết đường dài
Mồ côi mới
biết có ai nuôi mình
Chị tôi xưa
đẹp xưa xinh
Vì đàn em nhỏ
nay nhìn già nua
Âu ơ thương
mấy cho vừa
Sông Lam mấy
tuổi chị chưa lấy chồng?”
(Trích “Chị Tôi”)
Đó là cái tình “rất yêu” với chính cuộc đời
này và với mỗi người mà tác giả “Thương”:
“Thương ai số
kiếp bẽ bàng
Thương ai ngồi
khóc hai hàng lệ rơi”
(Trích “Thương”)
Và có thể nói toàn bộ tập thơ “Lời thơ cho đời”
chính là “chữ tình – chữ yêu” về cha mẹ, về anh em, về quê hương – đất nước, về
thương người và thương tất cả… Và nếu có kể ra hết cũng sẽ không hết được – vì
toàn bộ tập thơ này chính là một chữ “rất yêu” như vậy!
Để qua
đó ta thấy được tấm lòng của Tác giả
Bách Tùng Vũ mong muốn để lại một điều gì đó cho thế hệ mai sau từ nỗi lòng
của chính mình – từ sự trăn trở của chính mình và từ con tim của chính mình.
Tôi mong rằng những ai đọc tập thơ “Lời thơ
cho đời’ này có thể cảm nhận được nét thi vị mà mỗi người có thể rút ra cho
riêng mình. Và đối với tôi – qua những gì được viết đó chính là cảm nhận mà
chính tôi đã đọc tập thơ này với tất cả con tim của mình. Và với bạn… hãy đọc tập
thơ này như thể là chính bạn ở trong đó – tôi cho rằng với ý nghĩa đó bạn sẽ
tìm ra được những điều rất riêng cho chính mình và rất giá trị cho chính mình.
Tôi trân trọng gửi lời tri ân đến độc giả - những
người cầm đọc tập thơ này trên tay như là một trong những trân phẩm dành cho
chính mình!
Trân trọng!
Thông điệp từ
TRẦN TRUNG KIÊN (TK) | ROYAL AUTHOR | ROYAL ADVISOR