“THƠ – TÁC GIẢ LÊ HOÀNG” – tình yêu làm nên cuộc sống, làm nên thơ ca, và
làm nên tất cả. Và đó chính là thông điệp thực sự có ý nghĩa từ tập thơ “Thơ –
Tác giả Lê Hoàng” muốn nhắn gửi đến tất cả, mọi người và mỗi người.
Trong bất cứ những gì đến và đi của
cuộc đời, chúng ta sẽ nhận ra được một sự thật “tình yêu” luôn còn mãi bên
trong trái tim của chính mình. Đó là lý do tại sao chúng ta vẫn luôn được thôi
thúc bởi tình yêu và tìm kiếm tình yêu cuộc sống như là con đường “đi vào chính
mình”, và cũng là nguyên nhân mà THƠ – CA – NGHỆ THUẬT – SÁNG TẠO ra đời trong
thế giới của chúng ta.
Voltaire – Đại thi hào của nước Pháp và là một Triết gia thời Khai sáng đã nói, “Chân lý cuối cùng trong cuộc đời này là tình yêu. Yêu là còn sống và
còn sống là còn yêu.” Và tôi nhận ra rằng đâu đó trong Tác phẩm “Thơ – Tác giả Lê Hoàng” phảng phất những
giá trị mà chúng ta có thể đọc và cảm như một con đường trực tiếp để nhận ra được
“tình yêu” bên trong chính bản thân mình. Đó là tinh yêu lãng mạn, tình yêu cuộc
sống, và tình yêu với mọi thứ.
Bài thơ “Nhớ Phượng” – như làm ta nhớ lại cả một bầu trời kỷ niệm về tình
yêu, đó là:
“Ở đâu anh cũng thấy em,
Rực đỏ trên vầng xanh thắm,
Ở đâu nhớ cũng trùng tên,
Em và mùa hè rực cháy.
Giá như trang thơ thuở ấy,
Đừng cài thêm cánh hoa rơi.
Để ve theo về làm tổ,
Sẽ đâu nức nhở đêm ngày.”
Tình yêu là một tên gọi khác của cuộc
sống, và nếu chúng ta yêu cuộc sống, chúng ta sẽ nhận ra tình yêu mọi nơi – bên
trong chúng ta và bên trong mỗi người.
Đó là khi ta nhận ra được tình yêu
trong ánh mắt nhìn nơi trái tim – mà không phải là một con người cụ thể, vì
tình yêu đã có bên trong chính bản thân mình – khi chúng ta có thể nhìn một ai
đó – và biết được tình yêu. Đó là những gì được viết trong bài thơ “Mãi…”
“Khuôn dung ấy, chẳng chút son trang điểm,
Đẹp như anh từng thấy ở trong mơ,
Anh muốn ngắm đến chừng nào có thể,
Dẫu trong mắt kia, anh chẳng thấy mình.”
Bài thơ gợi cho tôi nhớ đến một trong
câu thơ đi cùng năm tháng từ Nhạc sĩ Trịnh
Công Sơn đã từng viết, “… Em là tôi,
và tôi cũng là em…”. Tình yêu có thể mang chúng ta đi thật xa, đến một nơi
thật lạ để chúng ta nhận ra được “mình là ai?” – trong mắt của tất cả. Và đôi
khi câu trả lời chính là, “… Em là tôi,
và tôi cũng là em…”.
Và cũng có những ngày, tình yêu của
chúng ta đặt ở một nơi nào đó, gọi là kỷ niệm trên con đường trở lại với chính
mình – từ góc nhìn quá khứ. Và đó là những gì được đọc từ bài thơ “Trở về” – của Tác giả Lê Hoàng.
“Một chiều về thăm lại,
Thầy cũ và bạn xưa,
Khóm cúc vàng vừa độ,
Bên họa mi đầu mùa.
Cuộc đời muôn lối ngả,
Tôi, nhánh rẽ gập ghềnh,
Về đây sau đông giá,
Bên em, bên Hồ Tây.”
Đó là những gì đọng lại từ kỷ niệm
bên trong trái tim của mỗi chúng ta khi nhìn vào thực tại, nhìn vào tình yêu,
cũng như nhìn vào chính chúng ta, và chúng ta một lần nữa, hoặc rất nhiều lần nữa
có thể “trở về” với chính chúng ta
trong cuộc hành trình nhân sinh. Đó là nguồn cội, là sức bật và cũng là tình
yêu mà chúng ta nhận ra bên trong người khác, bên trong cuộc sống, và cũng là
bên trong chính mình. Thơ ca có ý nghĩa như là thực tại, bởi vì thơ ca diễn tả
thực tại một cách sâu sắc nhất về chính thực tại, và diễn tả về những điều mà ngôn
ngữ đời thường không thể diễn tả được.
Đó là những gì ta đọc trong bài thơ “Bến Cát”,
“Dấu chân vội đặt, vội tan,
Bao nhiêu dấu nữa đến hàng cây xưa.
Nơi ta hẹn, nơi tôi chờ,
Nơi mình ươm một giấc mơ ban đầu.
Sóng xanh sao vội bạc đầu,
Cát mềm sao nỡ xóa đâu dấu mờ.
Mình mình giữa bãi hoang mơ
Với em, cách cả vần thơ, bền chờ.”
Và nếu như cuộc sống tự chứa đựng
trong nó những thứ không thể gọi tên, và tình yêu là một trong những thứ không
thể gọi tên đó, chúng ta đành phải nói rằng, tình yêu là một may mắn mà mỗi người
có được – nhận được – và trở thành điều mà tình yêu muốn chúng ta trở thành.
Hoàng Gia chia
sẻ, “Bản chất của cuộc sống là các mối
quan hệ, và tình yêu là bản chất của mọi mối quan hệ. Và do đó, cuộc sống mà
không có tình yêu thì không có cuộc sống.” Và điều này đưa đến ý nghĩa cho
sự ra đời của hầu hết mọi thứ trong thế giới của chúng ta, và cũng là cội nguồn
cho sự ra đời của mọi thứ bên trong chúng ta. Tình yêu chính là cuộc sống, và
cuộc sống chính là tình yêu.
Đó là khi một lần nữa ta có thể nhận
ra được rằng, thơ diễn tả thực tại một cách đầy duyên dáng – lãng mạn, và ý
nghĩa. Đó là những gì ta đọc trong bài thơ, “Mưa phùn”
“Mong một ngày mưa mùa hạ sẽ qua,
Vụn vỡ rải những lối đi vội vã,
Hãy là thế… Đừng như mưa phùn nhé,
Lành lạnh buồn từng giọt lạnh vỡ đôi.”
Và thế là, Tập thơ “Thơ – Tác giả Lê Hoàng” đưa chúng ta đi
qua những nét đẹp của cuộc sống, mà nếu chúng ta có thể nhìn lại, chúng ta sẽ
nhận ra được chính mình bên trong mỗi vần thơ một cách đơn giản, nhẹ nhàng và lạ
lùng.
Tôi tin rằng, tình yêu làm nên cuộc sống,
làm nên thơ ca, và làm nên tất cả. Và đó chính là thông điệp thực sự có ý nghĩa
từ tập thơ “Thơ – Tác giả Lê Hoàng”
muốn nhắn gửi đến tất cả, mọi người và mỗi người.
///---
Thông điệp từ TRẦN TRUNG KIÊN (TK) | ROYAL AUTHORS | ROYAL ADVISORS